Vì trái tim nhà vua
Phan_2
Khi bị giam cầm ở nhà mụ Voisin, tôi đã nghĩ nhiều đến những gì đã gắn kết tôi với Versailles: bố Antoine của tôi, hai bác Augustine và Gaspard Lebon và những người thợ làm vườn khác, hai bạn Lucie và Martin, hoàng hậu, người đã trở nên như người mẹ của tôi, đất trời và cây cỏ ở ngự viên.
Tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa.
Và cả những lọ nước hoa...
Tôi nghĩ về những điều đó trong suốt cuộc khổ nạn của tôi.
Tôi yêu những điều đó biết bao.
Giống như tình yêu (của người sáng chế) để vào nước hoa là cốt yếu, là hồn của một loại nước hoa, nước hoa là cốt yếu với cuộc sống của tôi. Không có chúng, tôi chẳng là gì cả. Chúng là nguồn cội quý báu từ đó tôi rút tỉa cho mình sức mạnh, sự cân bằng, những niềm hạnh phúc.
Nước hoa của tôi.
Lý do tôi để chúng lại sau cùng trên danh mục những gì gắn kết tôi với Versailles, không phải là điều vô tình, mà chính là do kính trọng. Một cách để giữ lại điều hay nhất đến sau cùng.
Trong cỗ xe ngựa có mui, nơi hoàng hậu ngồi chờ tôi đêm hôm qua, trước kho đạn Arsenal, và trên đường trở về lâu đài, tôi hầu như không nói gì cả. Cổ họng tôi se thắt vì âu lo. Nôn được câu chuyện của tôi ra, câu chuyện ba ngày chết chóc ấy, trước ngài de La Reynie, vẫn không làm tôi nhẹ nhõm. Trái lại là đằng khác. Tôi thấy khi khoác cho những xúc cảm và những biến cố cái áo chính xác tận cùng của ngôn từ, ta chỉ làm cho chúng trở nên xác thực hơn, đanh thép hơn, mà trong trường hợp này là đau đớn hơn. Hoàng hậu hiểu rõ sự hoảng loạn của tôi nên Người chẳng hỏi tôi gì hết.
Sáng nay, ngay từ sớm, ngài đã yêu cầu tôi tới gặp.
Rụt rè, bằng cái giọng yếu ớt, tay phải nắm chặt tấm mề đay đeo ở cổ, tấm mề đay của mẹ tôi, rồi tôi cũng nói được.
Hoàng hậu nghe tôi nói một cách thật quan tâm và nghiêm trọng, trong lúc đặt lên tôi cái nhìn âu yếm chỉ có Người mới có. Rồi Người chìa cho tôi một cuốn vở dày.
- Vì Chúa, Marion, đừng xoắn giấy và chôn chai trong ngự viên lâu đài nữa, - Người nói với giọng êm ái, pha âm sắc Tây Ban Nha ngọt ngào - Rồi cô sẽ bị hư tay nếu cứ tiếp tục đào đất với móng tay của mình. Hãy cầm lấy cuốn sổ ta tặng cô này và vì cô may mắn biết viết thì hãy tận dụng điều đó! Hãy tự kể chuyện đời mình. Trút hết tâm sự ra. Cô hãy viết nhật ký đi.
- Nhật ký ư? - tôi nói - Nhưng để làm gì ạ, thưa hoàng hậu?
- Phải giải phóng khỏi tâm trí nỗi sợ hãi chóng mặt và sâu thẳm đã làm cô ngộp thở khi bị cầm tù đi, nó vẫn còn gây sầu não cho cô đấy, ta cảm nhận được mà. Viết nhật ký là một cách để giải thoát, rồi cô xem. Đó là một bài tập rất thích mà ta thực hành từ ngày rời Tây Ban Nha để cưới Louis XIV. Lúc đó ta còn trẻ. Ta đã đau khổ rất nhiều khi phải rời xa gia đình và bạn bè. Hơn nữa, cuộc sống hàng ngày của một hoàng hậu nước Pháp còn lâu mới dễ chịu, không như người ta tưởng đâu. Cuộc sống trong triều đã làm mất tính vui vẻ hồn nhiên của ta. Chẳng có ai hiểu ta thật sự cả. Ai biết được ta đã từng là một cô bé hay cười trước đây ở Tây Ban Nha. Những cái chết của người thân, sự phản bội, nỗi buồn chán, cô đơn bất chấp một triều đình đông đảo, và sự không chung thủy của hoàng thượng đã khiến ta phải trải qua những thời khắc dằn vặt tệ hại nhất.
- Nhưng... còn hoàng nam hoàng nữ của lệnh bà, thưa hoàng hậu? - tôi mạnh dạn hỏi.
- Ta chỉ nói với cô thôi, Marion. Một hoàng hậu chẳng là gì khác hơn một cái bụng trong đó chảy một dòng máu quý tộc, một cái d phục vụ vương triều. Bảo đảm con cháu đầy đàn và tính vĩnh cửu của dòng dõi hoàng gia là điều duy nhất người ta chờ đợi ở một nữ hoàng. Hẳn nhiên là ta yêu con mình. Nhưng chúng bị Trời lấy lại quá nhanh, quá trẻ. Bệnh tật đã bứt chúng khỏi ta quá sớm. Chỉ trừ một đứa, có vẻ như nó cương quyết phải sống: Louis, Thái tử Lớn.
Hoàng hậu thở dài trước khi nói thêm:
- Cứ mỗi lần một đứa qua đời ta lại chán ngán thêm một chút. Ta tìm thấy như một kiểu an bình trong tâm, một nơi trú ẩn, một sự an ủi trong việc viết nhật ký. Ta dành hết những phút rảnh rỗi hiếm hoi cho nó. Ta khuyến khích cô làm điều đó. Hãy viết hết sức có thể. Nhưng luôn luôn kín đáo, đó là lời ta khuyên cô. Nhật ký riêng tư là một bí mật, giống như câu chuyện chúng ta nói đây sẽ là một bí mật, Marion nhé!
Tôi đem cuốn vở về phòng. Tôi đặt nó lên bàn, đầu ngón tay vuốt ve cái bìa các-tông thô, đỏ sẫm và mạ vàng. Tôi không biết, sau buổi tối hôm nay, tôi có tiếp tục viết cái gì trên những trang giấy này nữa không. Trước giờ tôi quen nguệch ngoạc tâm tình của mình trên những mảnh giấy nhỏ rồi đem nhét vào những cái chai để chôn trong ngự viên. Tôi thích cảm giác êm ái và bóng loáng khi sờ vào thủy tinh, sự thanh tú và tính vững bền của chất liệu này, sức mạnh trong sự trong trẻo của nó. Tôi thích nó ôm ấp những tâm sự của mình trong hơi ấm đầy đặn và đậm đà của đất. Ngược lại, giấy, một mình nó, tôi thấy quá nhẹ, yếu ớt và không kín đáo. Bất kỳ ai cũng có thể mở cuốn vở này ra và đọc những lời tâm huyết của tôi. Tôi hoàn toàn không tin tưởng... Trừ phi tôi phải giấu nó thật kỹ, trong khi chờ đợi những trang của nó đen đặc chữ tôi viết, rồi đem chôn nó như kiểu chôn những cái chai quý giá của tôi.
Tôi nằm dài trên giường và cuối cùng cũng ngủ được một chút. Nhưng bằng một giấc ngủ đầy ác mộng... Tôi lại nhìn thấy mẹ mình hấp hối trong vũng máu khi hạ sinh em trai tôi và gương mặt bị xẻo mất mũi của cô Alexandrine tội nghiệp.
Khoảng bốn giờ chiều, tôi giật mình thức dậy, đầm đìa mồ hôi, hơi thở dồn dập. Ngồi trong mớ khăn trải giường nhàu nát, ánh mắt cố định, tôi đắm chìm trong dng câu hỏi quay cuồng trong đầu... Ngay trước khi trút hơi thở cuối cùng liệu mẹ tôi và Alexandrine có ý thức được rằng cuộc sống của hai người đang trôi vào chốn hư vô không? Liệu hai người có thấy kinh hoảng như tôi không khi lưỡi dao của mụ Voisin cứa vào cổ họng? Hai người có hy vọng gì không? Phải chăng hai người đành chấp nhận? Liệu đức tin có đỡ cho hai người khỏi nỗi sợ hãi khủng khiếp đó không? Hai người có đơn giản nghĩ đến sự cứu độ của Chúa không? Người ta làm gì, nghĩ đến điều gì khi không còn lựa chọn nào khác? Tôi đã trải qua điều đó vậy mà tôi cũng không biết nói sao cho chính xác. Ký ức của tôi đã tan loãng đi trong khoảng thời gian treo lơ lửng đó. Hoàn toàn bị sự ghê sợ nuốt chửng, đầu óc trống rỗng ngoại trừ nỗi kinh hãi, hình như tôi đã không còn có cả ý định cầu nguyện nữa. Tôi chỉ nín thở lại. Thật lâu. Điều đó suýt chút nữa đã làm tôi bị ngạt.
Tôi đã phải vận dụng ý chí rất nhiều để bứt mình ra khỏi những suy nghĩ bệnh hoạn đó và bước ra khỏi giường. Tôi vốc nước lên mặt, vuốt tay lên mái tóc tội nghiệp bị cạo, như bị gặm nham nhở bằng lưỡi kéo cùn và lại đội chiếc mũ bôn-nê lên.
Tôi vùi chiếc chìa khóa mạ vàng của Phòng Hương Thơm vào cái túi tạp dề. Bốn ngày nay không được tưới, chắc đám cây cỏ hương của tôi đã khô hết cả. Và rồi, được dạo bước trong ngự viên đối với tôi là một sự cần thiết cấp bách. Tôi cần không khí trong lành, cần dõi mắt ra xa, đến tận chân trời rực rỡ ánh nắng, cần cảm thấy mình sống động và cần tìm lại những cây cối mà mình yêu mến xiết bao, thở hơi của chúng.
Mới đầu tôi nghĩ sẽ đến ôm hôn cha tôi tại vườn ươm cam của lâu đài. Nhưng tôi sực nhớ ra rằng mấy tuần nay, ông làm việc tại ngự viên điện Louvre. Và ở vườn ươm, chắc tôi sẽ gặp những người thợ làm vườn bạn của mình và nhất là bác Augustine. Hoàng hậu đã đoan chắc với tôi rằng không có ai trong số họ biết về vụ mất tích của tôi. Nhưng bác Augustine đã nhìn tôi lớn lên. Nên chỉ cần nhìn một cái, bác sẽ đoán ra có gì đó nghiêm trọng đã xảy ra với tôi. Mà tôi không muốn bác phải lo âu. Do đó tôi quyết định sẽ đi thẳng đến lâu đài Trianon bằng sứ.
Dù sao thì tôi cũng không muốn gặp ai lúc này... Tôi xấu hổ vì thân hình mệt mỏi và gầy đi của mình, vì gương mặt xanh mét, vì mái tóc bị tàn phá mặc dù nó được che dưới cái mũ bôn-nê bằng vải ba-tít.
Tôi đi dọc theo Kênh đào Lớn đến hoa viên của lâu đài Trianon.
Còn niềm vui nào bằng niềm vui nhìn lại Phòng Hương Thơm, lãnh địa của tôi, thế giới nhỏ bé của những mùi hương mà tôi yêu thiết tha.
***
Năm phút sau, ông Philippe-Henry khép cuốn nhật ký của Marion lại. Ông đặt nó xuống cái bàn một chân và nhìn Amélie với vẻ nghiêm trọng.
- Con yêu ạ, cha đã giận con ghê gớm, thật đấy, vì con đã làm hư những váy áo đẹp như vậy mà cha phải mua rất đắt. Nhưng vụ khám phá này đã xóa tan những oán giận dành cho con. Con đã có lý khi quyết tâm lôi cái hộp đó ra khỏi đất. Nó chứa cả một kho báu đấy.
Amélie thở ra nhẹ nhõm.
- Con không thiếu trực cảm đâu, - ông nói thêm với một nụ cười.
- Một đặc tính riêng có của phái yếu mà, - bà Madeleine nói mỉa - Mà nếu bây giờ cô hỏi tôi đang dự cảm điều gì ngay lúc đang nói với cô đây, tôi sẽ nói rằng nước tắm của tiểu thư đã sẵn sàng.
Vô cảm với câu nói đùa của bà vú, Amélie càu nhàu:
- Chưa đâu, không phải lúc này! Cha nè, cha làm ơn, con muốn đọc cuốn vở này trước đã. Ít nhất cũng vài trang.
Làm như không hiểu hay không nghe, bà quản gia đằng hắng lớn tiếng trước khi dõng dạc:
- Nước tắm của tiểu thư Amélie đang nguội đi kìa!
- Nào, con gái, đừng để vú Madeleine chờ nữa. Khi con tắm xong, chúng ta sẽ dùng bữa. Cha đói lắm rồi và cha không muốn ngủ trễ. Ngày mai cha sẽ có một ngày vất vả. Cha phải dự một buổi bán đấu giá hứa hẹn rất sôi động. Những lô hàng rất đáng quan tâm và có nhiều người tranh giành. Cha cần phải tỉnh táo, mà muốn vậy thì không gì bằng một đêm ngủ ngon. Con sẽ đọc nhật ký của cô thợ nước hoa của hoàng hậu Marie-Thérèse trong phòng con, sau bữ, nhưng không được lâu đó nha. Sau một ngày mệt nhọc mà chúng ta vừa trải qua, chính con cũng cần ngủ đấy. Ngày mai thứ hai, ông giáo kèm con không thể đến được để dạy con bài hình học. Ông ấy bị bệnh rồi. Con sẽ tha hồ khám phá những bí mật của Marion Dutilleul.
CHƯƠNG 3
Tối hôm sau, khoảng 6 giờ, Amélie nghe tiếng cửa ra vào khép lại và giọng ông Philippe-Henry vang lên:
- Tôi lạnh muốn chết đây! Mùa đông ác ôn này không cho chúng ta chút yên ổn nào. Vú Madeleine, bỏ thêm củi vào tất cả lò sưởi trong nhà đi, đêm nay coi bộ còn rét hơn những đêm trước nữa, và làm ơn đem cho tôi một chén nước dùng.
Amélie chạy ào vào tiền sảnh để đón cha.
- Con biết hết rồi! - cô reo lên khi đeo lên cổ ông để hôn.
- Con nói về cái gì vậy con?
- Về nhật ký của Marion, tất nhiên! Con đọc hết rồi. Cuộc đời của cô gái đó thật thú vị. Cha nói đúng khi cho rằng chúng ta đã vớ được một kho báu. Đúng là kho báu! Cha không thể tưởng tượng được cô Marion đó thân cận với vua Louis XIV và phu nhân Marie-Thérèse của ông cỡ nào đâu. Sau khi đã phục vụ hoàng hậu, cô ấy...
Cô ngắt ngang.
- Nhưng, - cô nói tiếp - chắc cha muốn tự mình tìm hiểu chuyện của cô ấy hơn, phải không?
Rồi cô chìa cuốn vở cho cha.
- Thôi, cảm ơn con yêu, để cha đọc nó sau. Hôm khác. Trong khi chờ đợi, cha trông con sẽ nhỏ từng giọt thông tin trong đó cho cha, mà con phải bớt đi sự hồi hộp đó nghe, một điều con biết làm rất khéo. Tối nay, cha mệt lắm. Chúng ta vào phòng khách ngồi đi.
Amélie đi theo cha và ngồi vào một chiếc ghế bành đối diện với ông.
- Cuộc đấu giá kéo dài lâu lắm, - ông nói tiếp. - Danh sách những lô hàng dài không muốn dứt, và phần lớn trong số đó có giá đấu tăng vọt. Cha hiếm khi thấy một sự cuồng nhiệt như vậy. Đôi lúc còn không nghe được người chủ trì đấu giá. Và người ta khó lắm mới nhận ra tiếng búa khi một lô hàng được bán thành công!
- Người ta bán cái gì quý giá lắm sao mà những người mua bị kích động dữ vậy?
- Đủ thứ đồ từng thuộc về những vị vua nước Pháp, kể cả những di vật. Giống như thứ mà cha đã tranh đấu mãi mới mua được, tin cha đi!
Amélie mở to mắt.
- Cha mua được một vật đã từng thuộc về một vị... vua sao?
Cô đã tách từ vua ra khỏi câu nói của mình một cách bản năng và nói từ đó êm ái hơn, với sự kinh ngạc thán phục và đầy tôn kính.
- Đã từng... Có thể nói như vậy.
Philippe-Henry với lấy chiếc xắc-cốt bằng da đen và lấy ra một gói vải trắng cột dây gai.
- Con xem đi - ông vừa nói vừa tháo cái gói ra - Đó là một tấm biển đồng.
- Nó hình trái tim, - Amélie nhận xét.
- Đúng vậy, và lý do là, con đang cầm trong tay tấm biển đậy cái hũ cốt đựng trái tim được ướp của vua Louis XIV, như những gì khắc trên đó nói.
- Thật phi thường! - cô gái thốt lên - Ngay đầu nhật ký của Marion, có một đoạn dài nhắc đến trái tim của nhà vua.
Cô liền trả lại tấm biển cho cha và, nín thở, cô bắt đầu lật lật cuốn vở.
- Đây rồi! Ở đây n
***
Thứ Tư ngày 15 tháng Ba năm 1679
Tám giờ
Trưa nay, chỉ hai ngày sau khi khuyến khích tôi viết nhật ký, hoàng hậu khoe với tôi về biệt tài của Bastien Florac, chiêm tinh gia của Người.
Bà tỏ ra rất dứt khoát:
- Tại cái vụ án Thuốc Độc nhơ nhớp ấy kết thúc bằng việc bắt giữ mụ Voisin nhờ có cô, Marion, mà hoàng thượng không muốn nghe nhắc tới những nhà chiêm tinh nữa. Thật đáng tiếc, ngài lầm lẫn rồi! Những con người tử tế đó chẳng giống gì với bọn phù thủy, cái đám đồi bại mà cảnh binh đang cố truy lùng trong những khu ổ chuột của thủ đô. Thật là thiếu công bằng! Ta chỉ thấy ở đó một cái cớ. Trái ngược với những vị vua khác của nước Pháp, những vị tiên vương lừng danh của ngài, vua Louis chưa bao giờ chịu nổi thuật chiêm tinh cả!
Đã năm năm phục vụ hoàng hậu, tôi chưa từng thấy Người cáu kỉnh đến mức đó.
- Marion, ta xin cô, hãy gặp người đàn ông này! - cuối cùng Người cũng buông lời - Anh ta sẽ giúp cô thoát ra khỏi mối sầu não đang gặm nhấm cô. Ta biết rõ Bastien Florac và ta tin vào anh ta. Anh là bạn tâm giao của ta. Hãy tin ta về điều đó. Phải hành động gấp trước khi hoàng thượng không cho phép anh ấy có mặt trong triều và không cho anh hành nghề nữa. Ta đoán được ý định của phu quân ta. Ta đọc được trong ánh mắt của ngài, và ngài chưa nói ta đã hiểu, đó là trong cuộc trò chuyện mới nhất của ta với ngài về đề tài này. Ngài chuẩn bị đưa ra những biện pháp chống lại toàn phường hội bói toán... Những nhà chiêm tinh sẽ sớm bị đuổi khỏi vương quốc.
Hoàng hậu nài nỉ tôi gặp anh ta quá đến mức tôi phải tuân theo ý muốn của ngài.
Sau đó, hoàng hậu thú thật với tôi rằng người đã trao cho người mà tôi gọi là “thầy bói mò” đó, ngày, giờ và nơi sinh của tôi để anh ta nghiên cứu cung mệnh của mình.
Cuộc xem sao đoán mệnh diễn ra hồi chiều nay, trong nhà nguyện nhỏ của hoàng hậu, một nơi rất riêng tư, chỗ mà ngài ẩn náu để cầu nguyện nhiều lần trong ngày, cách xa khỏi sự nhộn nhạo chốn cung đình.
Căn phòng nhỏ xíu với ánh sáng tù mù. Một cái bàn và hai ghế xếp được đưa vào nhân dịp này. Những viên hương, long diên hương và quế pha trộn với nhau, cháy hồng trong một cái lư hương bằng sứ Trung Hoa. Sợi khói mảnh xam xám bốc lên từ đó, mất hút trong luồng ánh sáng nâu ánh vàng chập chờn của những ngọn nến.
Khi tôi bước vào, vị bốc sư đang ngồi chờ. Ông ta đứng dậy và chúng tôi chào nhau. Sau đó ông mời tôi ngồi đối diện với ông.
Tôi cứ tưởng đó phải là một ông già bụng phệ, chít khăn trên đầu, quấn mình trong một loại áo thụng sặc sỡ, một nhân vật ăn to nói lớn, xứng với một kịch hề của Molière. Hoàn toàn không phải vậy. Tôi nhìn thấy một chàng trai trẻ, cao lớn, mảnh dẻ, thanh lịch và tinh tế. Bộ quần áo của chàng rất hợp mốt, vừa vặn, được cắt trong lớp vải “cổ bồ câu” thật đẹp, được tôn lên bởi tràng đăng ten viền ở cổ và tay áo, đôi giày có khóa bạc, mái tóc giả màu hạt dẻ, dài vừa vừa và uốn một cách công phu, chàng dùng nước hoa mùi nồng nàn có xạ hương, tóm lại là không có gì khác với những triều thần kia. Nếu không biết chàng mà chỉ đơn giản đi ngang qua chàng ở Biệt Cung Lớn, chắc không ai đoán được vai trò của chàng trong lâu đài.
Tuy nhiên, bất chấp dáng vẻ đẹp đẽ và gương mặt hiền hậu với cái nhìn trong sáng, con người chàng toát ra một vẻ kỳ lạ, một cái gì đó không định nghĩa được... Ngay tức khắc tôi cảm thấy bối rối trước mặt chàng.
Có phải vì ánh mắt màu lam ngọc của chàng không? Có phải vì sự pha trộn những mùi hương nồng trong khoảng không gian tù hãm này đang khiến tôi hết sức buồn nôn? Hay là vì vụ coi bói mà tôi phải chịu đựng để làm vừa lòng nữ hoàng của tôi, và sự gấp gáp mà buổi gặp gỡ này được quyết định? Ho sự kề cận của cái thiêng liêng và cái huyền bí, của cây thánh giá và những vì tinh tú? Có thể là vì toàn bộ những điều đó.
Thực ra, tôi không hiểu điều gì đã gây ra cho tôi cảm xúc như vậy.
Thôi thì tôi cứ ngồi xuống đối diện với chàng, trong nhà nguyện của hoàng hậu. Trên cái bàn ngăn cách chúng tôi, trải một tấm giấy trên đó vẽ lẫn lộn những vòng tròn và những mũi tên đủ màu sắc, và hàng loạt dấu hiệu mà tôi chưa bao giờ thấy.
- Cô sẽ đầy mười chín tuổi vào ngày hai mươi ba tháng Mười tới, cô Marion Dutilleul ạ, - chàng nói để bắt đầu câu chuyện. - Chính vào một ngày mùa thu của năm đại xá 1660, cô đã chào đời đúng lúc mười sáu giờ hai mươi ba, tại cái thôn nhỏ bé có tên là Versailles, trước khi nó trở thành một đô thành vương giả mà ngày nay chúng ta thấy.
Tôi chẳng biết nói gì hơn là gật đầu.
- Cô sinh ra trong cung Bò Cạp với cung Dương Cưu như dấu hiệu hướng thiên, - chàng nói tiếp - Điều này cho cô một cá tính vững chãi, một tính cách thích tranh đấu và tính nết cực kỳ nhạy cảm. Cô đam mê nhưng lại bí ẩn. Cô không thích bộc lộ tình cảm của mình. Tôi nghĩ rằng chúng làm cô sợ... “Mặt Trăng đối lập với Hải Vương Tinh” cho thấy cô luôn tìm sự hoàn hảo trong mọi việc. Cô làm việc không ngừng nghỉ để đạt được điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà hoàng hậu chọn cô để làm người chế nước hoa cho bà. Cô không muốn làm gì nửa vời. Không bao giờ cô bằng lòng với sự kém cỏi. Và liệu hồn cho những người thiếu trách nhiệm với cô, trong tình yêu cũng như tình bạn, cô có thể biến mình thành một kẻ thực thi công lý trơ cứng và hủy diệt. May mắn là trong nghịch cảnh, cô biết cách tự vấn, giữ sự thanh thản và tâm trí tỉnh táo. Cô cũng nên biết rằng, nhờ có Hải Vương Tinh thuộc nơi sinh đối nghịch với Diêm Vương Tinh tiến lên mà cô được thừa hưởng một trực giác rất nhạy bén, gần như một giác quan thứ sáu và một quyền năng sáng tạo mênh mông.
Bastien Florac dừng lại nửa chừng khi chàng ngước mắt lên khỏi cái khung trời vẽ trên tấm giấy trước mặt. Bằng đôi mắt xanh, soi mói, chàng nhìn tôi chăm chăm. Trong im lặng. Rất lâu.
Tôi đã nghe cuộc độc thoại của chàng, gần như không thở nổi, sao tôi tự nhận ra mình qua những lời của chàng đến thế. Ở nhà mụ Voisin, tôi nghĩ mình đã mất cuộc sống, còn ở đây, khi nghe con người xa lạ này vẽ nên chân dung mình, tôi tự tìm lại mình, tôi lại hiện diện trên cõi đời. Như vậy hoàng hậu đã có lý. Anh chàng Bastien Florac này đang khiến tôi có cảm tình trở lại với thực tại, chàng trả lại cho tôi bản thân tôi.
Tôi tự mình thấy ngạc nhiên khi trở nên nôn nóng... Gấp gáp muốn chàng tiếp tục phân tích cung mệnh của mình.
Nhưng bỗng nhiên, chàng lấy tay ôm đầu như thể đang bị một cơn nhức đầu hành hạ.
- Kim loại... - chàng thốt lên - Tôi nhìn thấy kim loại. Màu vàng... Vàng và xám. Đồng, sắt, chì và vàng. Như vậy cô là ai hở Marion Dutilleul, khiến tâm trí tôi phải phát hiện ra chất ấy?
Những lời chàng nói sau đó làm tôi bối rối rất nhiều.
- Kim loại... Tôi không có thói quen chú tâm đến những chi tiết này, - chàng nói tiếp - Ngoài ra, thông thường thì thậm chí chúng còn không hiện ra trong đầu tôi. Chiêm tinh và bói toán là hai việc khác nhau. Tôi không phải là phù thủy cũng không phải thầy bói! Nhưng tôi nhìn thấy kim loại này chiếm một vị trí quan trọng trong cung số của cô. Nó áp đặt vào tôi. Có vẻ như nó đang nói với tôi, muốn kể với tôi một câu chuyện... Chuyện gì nhỉ? Tôi nào biết. Để xác định nó, tôi còn phải nghiên cứu thêm cung thiên mệnh của cô, tỉ mỉ hơn tôi đã làm. Và chiêm nghiệm về nó thật nhiều. Làm sao để giải thích nó sâu sắc hơn, nhằm hiểu biết về cô một cách tốt nhất. Có gì đó liên quan đến cô mà tôi chưa nắm bắt được... nhưng tôi có thể nói ngay rằng tôi đoán thấy một hũ cốt làm hoàn toàn bằng chì và được đậy bằng một tấm đồng. Một tấm đồng có khắc chữ. Trên đó tôi thấy một hàng chữ. Một hũ cốt khá nhỏ, hình trái tim... Một cái nhìn bi thảm... Liệu đó có phải là cái hũ sẽ đựng trái tim của vua Louis XIV>
Tôi nghĩ Bastien Florac sẽ dừng lại ở đó, nhưng chàng lại nói tiếp:
- Cô làm tôi bối rối quá, Marion Dutilleul! Sự chân thật trong mọi việc hiện rõ trên nét mặt cô. Đây là một đức tính hiếm thấy trong triều đình Versailles. Cô còn trẻ và rất xinh đẹp, kín đáo, thờ ơ với tất cả những gì dính đến quyền lực và của cải. Tài năng phi thường của cô về chế tạo nước hoa vượt qua những người làm nước hoa giỏi nhất được biết đến bây giờ. Đó là điều làm tôi phải suy nghĩ đấy, bạn thân mến ạ! Và hãy tin tôi đi, cô làm nhiều người ở trong triều này phải suy nghĩ, tôi đầu tiên, tôi phải công nhận điều đó, bất chấp cái chân dung mà tôi vẽ nên về cô. Như vậy cô là ai để cho cung số của cô bắt tôi phải nhìn thấy hũ cốt đó?... Cho đến giờ tôi vẫn không biết. Nhưng cô cứ tin đi, rồi tôi sẽ tìm ra. Mau thôi, rất mau thôi, khi chúng ta gặp lại nhau, tôi sẽ cho cô biết tương lai của mình...
Tôi ngồi nghe hết mà không nhúc nhích. Tôi như bị thôi miên.
Làm sao tin được những gì vừa nghe?
Tôi không phải là người mê bói toán. Thường thì tôi vô cảm trước những lời tiên đoán. Nhưng những lời này có cái gì đó gây lo ngại. Dù sao trong đó có cả vấn đề cái chết của nhà vua! Một mối nguy gần kề đang đe dọa ngài chăng? Một chứng bệnh nào đó?
Một mối e sợ khó tả xâm chiếm tôi.
Chàng còn tiết lộ điều gì nữa trong lần gặp tới của chúng tôi?
Còn rối bời tâm trí hơn nhiều so với những ngày trước, tôi trở về phòng mình vào cái giờ đêm hôm thế này.
Tôi tự hỏi liệu mình có ngủ được đêm nay không. Tôi sợ phải suy đi nghĩ lại không dứt những lời nói kỳ lạ đó.>
CHƯƠNG 4
- Đúng là không thể tin được, - Philippe-Henry Schunck thì thầm trong lúc máy móc vớ lấy cái tô đựng nước dùng gà mà bà Madeleine bưng cho ông.
Mải bận tâm với những gì vừa biết, ông quên khuấy cảm ơn bà quản gia. Bà nhún vai và quay về bếp, miệng càu nhàu.
- Thiệt tình, đúng là không thể tin được,- ông lặp lại- Một sự trùng hợp kỳ lạ làm sao! Cách nhau có một ngày, sự ngẫu nhiên đã đặt lên đường chúng ta đi cả cuốn sổ lẫn tấm kim loại. Chúng có mối liên quan rõ rệt với nhau. Nhưng đó là cái gì?
- Mà cha thì chưa biết hết, cha à!
- Cha phải biết cái gì đây? Nói cha nghe coi.
- Vì cha muốn con nhỏ giọt những thông tin chứa trong nhật ký của Marion cho cha biết, nên con sẽ chỉ cho cha một đoạn có liên quan trực tiếp đến tấm kim loại thôi. Cha sẽ thật ngạc nhiên cho coi... Nhưng trước hết, cha hãy kể lại cho con nghe cuộc bán đấu giá sôi động ấy đã. Con đang tò mò muốn xem phép lạ nào giúp cha sở hữu được một di vật như vậy!
- Cách đây khoảng một tháng, trước hôm có bão một chút, cha lưu ý đến một tấm áp phích loan báo một cuộc phát mãi những hiện vật mỹ thuật khá đa dạng, những đồ mỹ nghệ và kim loại. Cha thấy nó có lợi cho nghề buôn bán sắt vụn của cha. Do đó cha đã xin cuốn catalogue liệt kê danh sách những món hàng, và cha hẹn ngày xem. Người ta đem bán đấu giá tài sản của một ông kiến trúc sư qua đời cách đây ba tháng, một ông Radel nào đó. Ông ấy để lại một bà vợ góa khóc than và không có nguồn sống. Cho nên bà ấy buộc phải bán phần lớn đồ đạc trong nhà cũng như những bộ sưu tập của ông chồng quá cố, trước khi rời căn hộ của mình để đến ở một chỗ khiêm tốn hơn. Cha đã đến nhà bà ở đường Castex, cách quảng trường Bastille cũ vài bước, để định giá tại chỗ những gì rao bán. Ở đó có những món đồ gỗ, nói chung là rất đẹp, những bức tranh, sách cổ, những tấm thảm và màn trướng, quần áo, chén bát, có cả đồ ăn bằng bạc nữa và những bộ sưu tập độc bình, huy chương,... Cái thu hút sự chú ý của cha nhất là một lô mười ba tấm đồng có khắc chữ. Đồng là một kim loại mua bán khá chạy. đầu tiên của cha là mua được chúng, rồi bán ký lô. Nhưng khi cha biết chúng xuất phát từ những hũ cốt đựng những trái tim được ướp của một số vị vua, hoàng hậu, hoàng tử và công chúa của nước Pháp thì cha quyết định ngay là phải mua chúng để chính cha lập thành một bộ sưu tập! Con cũng biết, cha là một người bảo hoàng nhiệt tâm mà. Hỡi ôi, ngày đấu giá, một người đàn ông đã đấu được mười hai tấm biển đầu tiên. Dù vậy, cha không chấp nhận thua cuộc dễ dàng như thế, con biết tính cha mà. Không bao giờ cha trở về tay trắng. Do đó cha đã đẩy giá lên đối với cái món mười ba và cuối cùng. Con xem, sự việc đôi khi cũng diễn biến lạ lùng. Cha cũng đã có thể đấu giá lên với một tấm biển khác. Sự may rủi lại muốn đó là tấm biển đã trang trí cho hũ cốt đựng trái tim của vua Louis XIV, như hàng chữ trên đó chỉ dẫn. Và ngày hôm qua, chúng ta đã tìm thấy cuốn sổ này... Đôi khi cha tự hỏi sự may rủi có thật hay không. Trước những sự trùng hợp như vậy thì người ta có quyền đặt câu hỏi.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian